Khác với dương cầm hay guitar, đàn violin không có phím nên người chơi phải nhớ chính xác vị trí các nốt trên dây đàn nhờ vào việc học hỏi và luyện tập thường xuyên.
Với người mới bắt đầu, để dễ dàng hơn cho việc ghi nhớ và bấm nốt, ta có thể dùng băng dính dán lên các vị trí nốt nhạc hoặc làm kí hiệu riêng để ghi nhớ trên cần đàn.
Đàn Violin có bốn dây, cao độ mỗi dây cách nhau quãng năm đúng. Các dây này là Sol – Re – La – Mi (G – D – A – E) tương ứng với dây 4-3-2-1.
Trước khi chơi, ta cần phải lên dây đàn cho chuẩn xác để âm không bị phô.
Trên đàn violin có một bộ phận là chốt mắc dây (tuning pegs) vừa dùng để gắn dây với thân đàn, vừa có thể dùng để lên dây với biên độ hẹphay còn gọi là tinh chỉnh (fine tuner) với độ chính xác cao.
Để âm đạt chuẩn, ta cần phải chỉnh dây dựa trên độ chính xác cao của máy chỉnh dây tuner. Điều chỉnh chốt chỉnh âm, chốt mắc dây sao cho khi kéo hoặc gảy dây, âm thanh phát ra đối chiếu với tuner thấy hiển thị như sau là được:
Mô tả dây đàn Violin
Dây thứ 4: là dây Sol (G) có cao độ thấp nhất trong 4 dây. Khiđối chiếu với tuner thấy hiển thị G3 có màu xanh lá là âm đã đạt chuẩn.
Dây thứ 3: là Re (D), cao độ cao hơn dây Sol một quãng 5 đúng. Tuner hiển thị D4 có màu xanh lá.
Dây Thứ 2: là La (A), cao độ cao hơn dây Re một quãng 5 đúng. Tuner hiển thị A4 có màu xanh lá.
Dây thứ 1: là dây Mi (E), có cao độ cao nhất và hơn dây La một quãng 5 đúng. Khi điều chỉnh tuner hiển thị E5 có màu xanh lá.
Nếu không có tuner, nhưng có điện thoại thông minh (smartphone) ta có thể download những phần mềm tuner miễn phí về điện thoại để sử dụng như một máy tuner thực thụ.
Trong trường hợp không có những máy móc hay phần mềm hỗ trợ ta có thể nhờ đến giáo viên, những người sành chơi violin, hay trung tâm bán đàn là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc lên dây hoặc cũng có thể tự mình điều chỉnh thủ công nhưng cần dựa vào âm chuẩn của tiếng đàn piano và điều kiện là tai phải thính và nhạy.