Hơn 80 năm chiếc đờn violon, còn gọi là vĩ cầm, được đưa vào diễn tấu nhạc Tài tử, do nhạc sĩ Tịnh đề xướng, thì cũng có ngần ấy năm nhạc khí Tây phương này được đưa vào phục vụ trong dàn nhạc cải lương, với nhiều thuận lợi về âm vực, lẫn âm sắc.
Trước những năm 1960, chiếc đờn cò được sử dụng nhiều trong các dĩa hát cải lương, với âm sắc thanh, trong, âm vực trung, cao, nổi bật trong bộ dĩa hát tuồng Tô Ánh Nguyệt. Đến cuối những năm 1950, âm sắc của chiếc đờn violon mới được giới thiệu nhiều trên nhiều dĩa hát cải lương. Đầu tiên, âm sắc nầy được giới thiệu trên một số dĩa hát Tài tử, trong các bài ca điệu Vọng cổ, nổi bât là dĩa hát Gió Bấc Lạnh Lùng.
Cuối thập niên 1960, chiếc đờn violon, với ngón đờn xuất thần của nhiều nhạc sĩ tài danh đương thời, như: Tư Huyện, Hai Thơm.v.v. đã tạo được lòng ái mộ của đông đảo thính giả. Đa số dĩa hát cải lương từ cuối thập niên 1960 đến 1970, đều có âm sắc của đờn violon. Đồng thời, trên các sân khấu cải lương trung ban, đại ban, chiếc đờn violon dần dần xuất hiện, ngày càng nhiều. Tuy nhiên lúc bấy giờ, giá của một chiếc đờn violon đắc gắp trăm lần chiếc đờn cò, nên không phải nhạc sĩ nào mê đờn violon cũng có thể mua nổi.
Chiếc đờn violon thật sự chiếm lĩnh một vị trí quan trong trọng dàn nhạc cải lương, từ khi các nhạc sĩ tài tử đưa nghệ thuật diễn tấu đờn violon lên đến mức độc tấu. Kỷ thuật đờn vilon, sau một thời gian dài được vận dụng từ kỷ thuật đờn cò, nay đã có nhiều nét đặc trưng. Đó là kết quả của việc kế thừa và phát triển ngón đờn cò trên đờn violon.
Âm vực của đờn violon trong dàn nhạc cải lương rộng, gồm âm vực trầm, trung và cao. Mặc dù vậy, đờn violon cũng không thay thế được chiếc đờn gáo và chiếc đờn cò. Vì âm sắc của đờn violon không giống với âm sắc đờn gáo và đờn cò. Đờn violon dùng kỷ thuật vuốt, mổ để diễn đạt thay cho kỷ thuật nhấn. Do đó, đờn violon không thể thay thế cho đờn gáo và đờn cò được.
Đờn violon, với những ưu điểm về âm săc, âm vực và một số kỷ thuật được phát triển từ đờn cò, đã thật sự được công chúng thưởng thức như một nhạc khí, trong gia đình nhạc khí tài tử, cải lương, góp phần làm giàu thêm cho sức diễn cảm của các bản nhạc tài tử trên sân khấu cài lương.