Từng suýt bị đuổi khỏi Học viện âm nhạc quốc gia vì bỏ học, nợ môn, Quang Duy đã “chuộc lỗi” bằng giải nhất cuộc thi tài năng trẻ âm nhạc quốc gia mùa thu 2007, giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Đông Nam Á 2009.
Gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng ngay từ nhỏ, chàng trai quê Quảng Ninh đã thể hiện năng khiếu âm nhạc. Duy mê mẩn đứng nghe người bạn chơi đàn organ. Thấy con yêu đàn, bố mẹ đã dành dụm mua tặng cậu một cây organ rất đẹp. Ông bà còn nhờ thầy về dạy cho Duy. Ngày ngày cậu ôm lấy cây đàn, say sưa học.
Năm 1996, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội cũ) tổ chức một cuộc thi tuyển học sinh tại trường Văn hóa Nghệ thuật Quảng Ninh. Duy tham dự và đã lọt vào tầm ngắm của các thầy cô nhạc viện.
Chưa đầy 10 tuổi, Duy gói ghém đồ đạc lên Hà Nội học tập. Đang tuổi ăn, tuổi chơi nhưng Quang Duy đã ở theo kiểu “bộ đội”, phải tự giặt giũ, học hành, lo chăm sóc bản thân. Thi năng khiếu là đàn organ, nhưng khi vào Nhạc viện, Duy lại học chuyên ngành violin. Cậu chia sẻ: “Ban đầu mình chán lắm. Đàn organ thì đẹp và có nhiều nốt nhạc, còn đàn Violin thì trông đơn điệu, chẳng có cái nút bấm nào cả. Nhưng lúc đó, thầy bảo học thì cứ học thôi”
Quang Duy bên cạnh thầy Ngô Văn Thành những ngày đầu ra Hà Nội học.
Duy tâm sự: “Đàn violin cũng rất kén người. Cái quan trọng là đôi tai phải có khả năng thẩm âm tốt, những ngón đàn tay trái phải nhạy cảm với các phím, chỉ cần chệch một chút là nốt đã “phô” đi rất nhiều. Còn tay phải cần nhất là mềm, dẻo, đúng kỹ thuật”.
“Có những hôm học mãi một bài vẫn không được, mình chán lắm. Thế nhưng, sự tận tình của thầy cô, nhất là thầy Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện đã khiến Duy lấy lại được thăng bằng. Nhưng tình yêu thì vẫn chưa nảy nở với cây vĩ cầm này”, Duy cười kể.
15 năm học violin với 7 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp, và 4 năm đại học, nhưng phải đến năm học sơ cấp 4, khi được chọn đi biểu diễn tại Đại sứ quán Pháp, Duy mới bắt đầu thấy đam mê chuyên ngành của mình. Duy thấy được vị trí cũng như sự hấp dẫn của loại nhạc cụ mà mình đang chơi qua cái cách mà người xem cảm nhận. Từ đó, cậu chăm chỉ, cố gắng tập luyện nhiều hơn. Rảnh lúc nào là cậu lại mang đàn ra tập, có khi quên ăn, quên uống.
Năm trung cấp 2, Duy bắt đầu đi biểu diễn ở các quán bar, cà phê… Duy rất vui vì cậu được giao tiếp, được kiếm tiền, và sử dụng tự do số tiền mà mình kiếm được. Nhưng cũng từ đó, Duy bắt đầu chểnh mảng học hành. Những buổi đi diễn dày hơn đồng nghĩa với việc bỏ học nhiều hơn. Một số môn không đủ điều kiện dự thi, một số môn thi không đủ điểm qua, Duy bị Ban giám hiệu mời lên và bắt viết giấy cam đoan chăm chỉ học hành nếu không sẽ phải chịu hình thức kỷ luật, nặng nhất là đuổi học.
Trước nguy cơ bi đuổi khỏi trường, bao nhiêu công rèn luyện tiêu tan, Duy mới chợt bừng tỉnh. Cậu đi diễn ít hơn, chú tâm nhiều vào việc học. Chẳng bao lâu, Duy lấy lại được phong độ. Có nhiều cuộc thi chọn người đi biểu diễn ở nước ngoài Duy đều vượt qua hết. Năm 2003, Duy đi Thái Lan lần đầu tiên. Và cho đến nay, Cậu đã đi diễn ở hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Hong Kong, Trung Quốc, Malaysia, Đức…
Một câu chuyện mà Duy nhớ mãi là khi đi diễn ở Malaysia. Lúc ra sân bay, không hiểu thế nào Duy lại bỏ quên chiếc đàn ở khách sạn. Lần ấy, Duy bị trưởng dàn nhạc mắng cho một trận, còn bị phạt 150 USD vì đã làm ảnh hưởng đến cả đoàn. Đó cũng là bài học về sự cẩn thận mà sau này Duy không bao giờ phạm phải.
Trước cuộc thi Concours mùa thu năm 2007 hai ngày, bố Duy bị tai nạn phải nhập viện. Lo lắng cho bố, Duy vẫn phải cố gắng hết sức thể hiện mình dù dưới khán đài không một ai trong gia đình đến cổ vũ. Và món quà Duy mang đến tặng bố trong bệnh viện chính là giải nhất cuộc thi tài năng âm nhạc trẻ mùa thu 2007.
Sự tự tin đã mang về cho Duy hai giải nhất tài năng âm nhạc trẻ.
Với tư cách người giải nhất violin quốc gia, Duy tham dự cuộc thi âm nhạc quốc tế Jakarta lần thứ vào tháng 8/2009. “Là đại diện cho cả một quốc gia, không kỳ vọng là sẽ được giải nhất song mình luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng hết sức để không được về tay không”, Duy tâm sự. Và sự quyết tâm của Quang Duy đã được đền đáp khi cậu vinh dự dành được giải nhất violin chung cuộc lứa tuổi trên 18.
Khác với sự chín chắn, chững chạc, và có chút lạnh lùng trên sân khấu, Quang Duy ngoài đời thực khiến bất kỳ ai dù gặp lần đầu cũng thấy mến. Mái tóc dài kiểu nghệ sĩ, khuôn mặt tròn bầu bĩnh, nụ cười hiền và cách nói chuyện tự nhiên của Duy làm cho người đối diện cảm thấy như đã quen biết từ rất lâu.
Không thừa nhận những giải thưởng đạt được là năng lực, là sự cố gắng của bản thân, Duy luôn tâm niệm rằng, để có được những kết quả đó, tất cả là nhờ công ơn của thầy giáo, GS.TS Ngô Văn Thành, người đã phát hiện ra năng khiếu của Duy từ ngày còn ở Quảng Ninh. Cũng chính thầy đã bồi dưỡng, tôi luyện, cũng như giúp Duy vượt qua được những cám dỗ đời thường.
Trong căn nhà nhỏ Duy đang thuê trọ ở phố Vũ Thạnh, giấy khen, học bổng của các tổ chức treo kín một góc tường. Chàng trai 23 tuổi tâm sự: “Violin giờ đã trở thành một phần cuộc sống, như cánh tay thứ ba của mình. Ước mơ của mình là học lên cao học và góp chút công sức đổi mới cách thể hiện violin để nó đời thường hơn, được khán giả đón nhận nhiệt tình hơn”.
TRUNG TÂM TÀI NĂNG TRẺ NHẬN DẠY ĐÀN VIOLIN TẠI NHÀ
CẦN TƯ VẤN THÊM QUÝ PHỤ HUYNH LIÊN HỆ: 090 333 1985 – 09 87 87 0217
Email: info@giasutainangtre.vn